“XỬ BẮN! TIÊU HỦY HẾT!”. KHRUSHCHEV ĐÃ “ĐẬP TAN” CUỘC TRIỂN LÃM CỦA CÁC NGHỆ SĨ TIÊN PHONG NHƯ THẾ NÀO

(Chuyến thăm tai tiếng của Khrushchev tới triển lãm của nghệ sĩ tiên phong diễn ra 60 năm trước)

Alina Files

Lã Nguyên dịch

Vào ngày 1 tháng 12 năm 1962 đã diễn ra một trong những sự kiện gây tiếng vang lớn  của Khrushchev – Tổng Bí thư đảng cộng sản Lien Xô thăm triển lãm của các nghệ sĩ tiên phong. Ông chưa sẵn sàng tiếp thu nghệ thuật trừu tượng và dùng những lời lẽ lăng mạ chỉ trích cực kì gay gắt tác phẩm của các nghệ sĩ,. Báo “Gazeta.Ru” sẽ kể lại  những gì đã xảy ra ở Manege 60 năm trước – và nó ảnh hưởng như thế nào đến đời sống nghệ thuật ở Liên Xô.

————–

VỀ CUỘC TRIỂN LÃM

Từ tháng 11 đến tháng 12 năm 1962, một cuộc triển lãm đã được tổ chức tại Manege nhân lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Chi hội nghệ thuật tạo hình Moscow của Hội nghệ sĩ tạo hình Liên Xô. Nó được xem là cuộc trưng bày rộng rãi những thành tựu của mỹ thuật Liên Xô. Triển lãm do hai nhà nghệ thuật học sau đây đứng ra tổ chức: Alexander Kamensky và Vladimir Kostin. Thời kì này Dmitry Mochalsky là người đứng đầu Chi hội nghệ thuật tạo hình Moscow.

Cùng trong thời gian này còn có một cuộc triển lãm khác do studio “Hiện thực mơi” của Eliya Belutin tổ chức. Triển lãm mở cửa vào ngày 26 tháng 11 năm 1962 tại “Cung giáo viên” ở số 9 Bolshaya Kommunisticheskaya (nay là phố Alexander Solzhenitsyn), trưng bầy tác phẩm của các nghệ sĩ tiên phong Tamara Ter-Ghevondyan, Anatoly Safokhin, Lucian Gribkov, Vladislav Zubarev, Vera Preobrazhenskaya, Inna Shmeleva và một số tác giả khác. Theo tên của vị thủ lĩnh, họ được gọi là Nhóm Belyutins.

Triển lãm của nhóm “Hiện thực mới” có sự tham dự của các nhà báo nước ngoài và người đứng đầu Hội Nghệ sĩ tạo hình Ba Lan. Ngay sau đó, nhiều bài tường thuật về cuộc triễn lãm nghệ thuật trừu tượng không chính thức ở Liên Xô đã được phát trên các kênh truyền hình của châu Âu.

Trước Đại hội lần thứ XX của Đảng CS Lên Xô, nơi tệ sùng bái cá nhân Stalin bị phê phán, cuộc triễn lãm nói trên không thể thực hiện được do không được chính quyền cho phép. Sau khi loan báo trên các phương tiện truyền thong,,Studio đã được mời tham gia triển lãm ở Manege. Cùng với tác phẩm của các thành viên nhóm “Hiện thực mới”, Belyutin còn cho trưng bày các tác phẩm của Ernst Neizvestny, Vladimir Yankilevsky, Hulo Sooster và Yury Sobolev

CHUYẾN THĂM CỦA  KHRUSHCHEV

Chỉ một ngày, sau khi các tác phẩm của nhóm “Hiện thực mới” được đưa vào triển lãm, Nikita Khrushchev đã đến thăm Manege cùng với các thành viên Bộ Chính trị (Alexander Shelepin, Kirill Mazurov, Ekaterina Furtseva, Mikhail Suslov và Leonid Ilyichev). Theo họa sĩ Leonid Rabichev, Khrushchev đi rất nhanh quanh các sảnh phía dưới của Manege, nơi trưng bày tác phẩm của Alexander Deineka, Mitrofan Grekov và các tác giả khác. Trong bài báo “Manege 1962, trước và sau”, Rabichev nhấn mạnh rằng các thành viên trong phái đoàn không đến gần bất kỳ bức tranh nào, họ chỉ xem mọi thứ qua loa

Lúc này, Rabichev, Belyutin, Ernst Neizvestny, Yankilevsky, Sooster, Sobolev và các nghệ sĩ khác đang đợi Khrushchev ở sảnh phía trên, nơi trưng bầy tác phẩm của các nghệ sĩ tiên phong. Họ thỏa thuận với nhau sẽ chào đón nhà lãnh đạo Liên Xô bằng những tràng pháo tay và đặt một chiếc ghế ở giữa hội trường đầu tiên để “Nikita Sergeevich ngồi ở đó và sẽ thay phiên nhau kể cho ông nghe họ đã làm ra cái gì và làm như thế nào”.

Rabichev viết: “Tôi nhìn đồng hồ, 27 phút đã trôi qua kể từ thời điểm cánh cửa Manege mở ra. Khrushchev bước ra từ hành lang thứ ba của Manege. Thoáng nghĩ trong đầu – làm sao có thể xem trong vòng 27 phút? Tôi đã lo lắng và bắt đầu cùng mọi người vỗ tay”

Theo lời của một nghệ sĩ, sự xuất hiện của Khrushchev đã khiến cho tất cả những người có mặt đang mong được thảo luận nghiêm túc về nghệ thuật bỗng trở nên bối rối. Khi leo lên cầu thang, vị chính trị gia cười khẩy, nói: “Đây rồi, các anh chính là những người đã làm ra những bức vẽ bôi bác kia đấy à? Nào, bây giờ tôi sẽ xem các bức vẽ bôi bác của các anh! Sau đó, ông ta bước vào gian trưng bầy những bức tranh của các môn đệ Belyutin, và “dùng chân đẩy ghế sang một bên”.

Rabichev chăm chú quan sát nét mặt của Khrushchev, nó tựa như “khi là mặt của một đứa trẻ, khi là mặt của gã nông phu đần độn, lúc thì nở một nụ cười, đột nhiên tỏ ra sự giận giữ, rồi lại trở nên tàn nhẫn, cố ý thô lỗ, nếp nhăn sâu cắt ngang trán rồi biến mất, đôi mắt nheo lại rồi mở rộng ra”. Rabichev nói rằng Khrushchev đã “cố gắng một cách “khổ sở” để hiểu ý nghĩa của các tác phẩm, và có lúc khuôn mặt ông lộ ra “sự độc ác không giấu giếm”.

“Nikita Sergeevich im lặng trong khoảng hai phút, rồi lớn tiếng với vẻ căm thù: “Cứt đái!” Và sau khi suy nghĩ, ông nói thêm: “Lũ đồng tính!”. Rồi sau đó, tựa như theo lệnh chỉ huy, tất cả các quan chức chính phủ tháp tùng ông ta cùng chỉ tay vào người này, hoặc người kia trong chúng tôi và hét lên: “Lũ đồng tính!” Chúng tôi có 13 nghệ sĩ, tất cả đều đứng sát những bức tranh của mình.”

Sau đó, theo lời của Rabichev, các thành viên trong phái đoàn bắt đầu la hét và đe dọa – tình huống thật trái khuáy. Các nghệ sĩ chết lặng vì đang chờ đợi một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với nguyên thủ quốc gia.

Rabichev kể: “Người này thì nghe Shelepin nói, người kia nghe Mazurov, Furtseva. – Cá nhân tôi thì đứng cạnh Suslov và Ilyichev. Các thành viên chính phủ với vẻ mặt vừa phấn khích vừa tức giận, người thì tái mặt, người thì đỏ mặt, đồng thanh hét lên: “Bắt chúng lại! Cho tiêu hủy hết! Bắn!” Bên cạnh tôi, Suslov giơ nắm đấm lên và hét lên: “Hãy bóp cổ chúng!” Có điều gì đó đã xảy ra không thể diễn tả bằng lời

GIAO TIẾP VỚI NGHỆ SĨ

Năm phút sau, Khrushchev giơ tay và đám tùy tùng của ông im lặng. Ông ta gọi Belyutin đến gần và hỏi về xuất thân của nghệ sĩ. Nghệ sĩ trả lời bố ông là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Khrushchev sau đó chỉ vào những bức tranh và hỏi, “Đây là cái gì?” Belyutin bắt đầu giải thích nội dung tác phẩm: đây là ngôi nhà ở Ulyanovsk, đây làt bức chân dung, đây là bức tranh phong cảnh, đây là sông Volga. Một người nào đó trong phái đoàn lại bắt đầu hét lên phẫn nộ, nhưng Khrushchev ngắt lời anh ta và đe dọa trục xuất các nghệ sĩ ra khỏi đất nước:

“Các anh muố tiếp với bọn tư bản thì chúng tôi sẽ tạo cơ hội cho các anh. Hộ chiếu nước ngoài đã chuẩn bị sẵn cho tất cả các anh, chỉ trong 24 giờ nữa tất cả các anh sẽ bị đưa đến biên giới và bị trục xuất khỏi Tổ quốc ”.

Các đại biểu của phái đoàn không đồng tình với Khrushchev và đề nghị ông cho bắt giữ các tác giả của loạt tranh đang triển lãm. Sau đó, họ chuyển sang nghệ sĩ mặc áo len đỏ Alexei Kolli, người để mái tóc rất dài và bộ râu cằm: “Đây là một anh đồng tính thứ thiệt!”

Sau đó, Khrushchev nói rằng ông muốn nói chuyện với từng nghệ sĩ. Ông đến gần bức tranh vẽ một chàng trai trẻ “dưới dạng biến hình”, rồi gọi tác giả của nó đến nói chuyện với ông. Boris Zhutovsky đến gần. Khrushchev lại hỏi ông về xuất thân và yêu cầu ông giải thích những gì được miêu tả trong bức tranh. Zhutovsky trả lời rằng đây là bức chân dung tự họa.

“Cậu sao thế, một thanh niên đẹp trai như vậy, mà có thể vẽ thành thứ cứt đái như thế này sao? – Khrushchev nói. Cho cậu đến khu khai thác gỗ làm v iệc hai năm.”

Khi Zhutovsky nói rằng ông đã ở khu khai thác gỗ, chính trị gia này nói: “Thêm hai năm nữa!”. Khrushchev gọi những bức tranh của Lucian Gribkov và Vladimir Shorts là “cứt đái” và chuyển sang Rabichev. Trước khi nói về bản chất công việc của mình, người nghệ sĩ quyết định giải thích cho chính trị gia hiểu trước mặt ông là loại người nào. Rabichev tuyên bố rằng trong số các tác giả đây “không có một ai là người đồng tính” – họ đều có gia đình, làm việc 12-14 giờ một ngày và chỉ sáng tạo vào buổi tối trong studio của Hội nghệ sĩ tạo hình Moskva. Họa sĩ nhấn mạnh đây là studio buổi tối, một xưởng sáng tạo thử nghiệm.“Thế tức là ban ngày anh cầu nguyện Chúa, còn buổi tối thì bán linh hồn cho quỷ dữ ư?” – Khrushchev hỏi, sau đó lại mỉm cười.

Nhà lãnh đạo Liên Xô phẩy tay, đi sang sảnh bên cạnh, nhưng lối vào đã bị Ernst Neizvestny chặn lại.

Không giống như những người trong nhóm Belyutins coi hội họa là niềm đam mê, Neizvestny đem đến trưng bầy ở Manege,những tác phẩm điêu khắc vốn là công việc suốt đời của ông. Đồng thời, ông là một nhà tâm lý học và diễn viên giỏi. Ông quyết định bắt chuyện với Khrushchev, tự giới thiệu mình là thợ cắt đá. Ông nói, “Nikita Sergeevich, những tác phẩm của cả đời của tôi là ở đây, tôi không thể trưng bày chúng nó trong một bối cảnh như thế này được. Không biết liệu tôi có buộc phải tiếp tục nói chuyện với vị lãnh đạo của đảng nữa hay không, tôi yêu cầu ông hãy nghe tôi nói và đừng ngắt lời ”.

Các ông đại biểu lại ồn ào, náo loạn cả lên, nhưng Khrushchev tỏ ra thích thú và giơ tay ra hiệu cho họ im lặng. Đợi cho mọi người im lặng, Neizvestny bắt đầu giải thích công việc của mình nặng nhọc, vất vả như thế nào: tác phẩm điêu khắc này ông phải làm hết 15 ngày, một tác phẩm khác trong hai tháng. Nhà điêu khắc cũng chỉ ra thiết kế nội thất của Viện Vật lý, nơi sẽ được trang hoàng bằng những tác phẩm điêu khắc trong tương lai của ông, đồng thời giải thích dự án sẽ diễn ra như thế nào và khối lượng công việc sẽ phải đổ vào đó ra sao. Đề cập đến việc vẽ các bức bích họa trên tường của Viện trong tương lai, Neizvestny hỏi: “Nikita Sergeevich, chúng ta nên ứng xử như thế nào với sáng tác của các nghệ sĩ là đảng viên cộng sản như Picasso và Siqueiros?

“Trước những bình luận phẫn nộ của đồng nghiệp, Khrushchev nói: Có một ác quỷ và một thiên thần trong người này. “Ấc quỉ trong y chúng tôi sẽ giết chết, còn thiên thần thì giữ lại, chúng tôi sẵn lòng trả công cho lao động của y, ra lệnh cho y”

Tự trả lời, Neizvestny nói rằng ông muốn nhìn thấy trên tường của các tòa nhà nơi ông làm việc sẽ  treo những bức vẽ của các họa sĩ đã có tác phẩm được trưng bày ở hai gian trước đó: “Để các tác phẩm điêu khắc của tôi được đặt trên cái nền hội họa của họ”

Khrushchev tức giận xua tay rồi đi về gian gửi áo mũ.

HẬU QUẢ

Ngày hôm sau, một bài báo gây chấn động được đăng trên tờ Sự thật, đánh dấu sự khởi đầu của chiến dịch chống lại chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa trừu tượng ở Liên Xô. Điều này đã kích thích sự phát triển của nghệ thuật tiên phong ngoài luồng – nghệ thuật ngầm tồn tại song song với nghệ thuật quan phương, chính thống ở Liên Xô. Khrushchev muốn khai trừ tất cả những người tham gia triển lãm ra khỏi Đảng cộng sản Liên Xô và Hội nghệ sĩ tạo hình, nhưng hóa ra hầu như không có ai trong số họ là đảng viên. Việc đưa tin về vụ việc rắc rối đã thu hút sự chú ý của công chúng. Người ta lũ lượt kéo đến Manege để xem tác phẩm của các nghệ sĩ tiên phong. Nhưng các tác phẩm đã nhanh chóng bị gỡ bỏ.

Hai tuần sau, tại cuộc họp của ban lãnh đạo Liên Xô với đại diện giới trí thức, Khrushchev tuyên bố:

“Người ta dạy các nghệ sĩ bằng tiền của nhân dân, họ ăn bánh mì của nhân dân và phải làm việc cho nhân dân, nhưng họ làm việc cho ai nếu nhân dân không hiểu họ?”

Thế là với các nghệ sĩ tiên phong cơ hội tham gia triển lãm ở Liên Xô đã bị đóng lại

hấm dứt mọi khả năng tham gia triển lãm ở Liên Xô đã Nhưng vào ngày 31 tháng 12 năm 1963, Belyutin được mời đến Điện Kremlin để đón năm mới. Trong cuộc gặp gỡ có tính chất cá nhân, Khrushchev chúc ông và “các đồng chí” làm việc thành công và vẽ tranh “dễ hiểu hơn”. Kể từ năm 1964, các cuộc gặp gỡ thường kỳ của nhóm “Hiện thực Mới” diễn ra không chính thức tại một ngôi nhà ở Abramtsevo, ngoại ô Moskva. Những nghệ sĩ không có xưởng vẽ có thể làm việc và sinh sống ở đó. Khoảng 600 tác giả đã đi qua studio này. Sau mỗi mùa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, người ta tổ chức các cuộc triển lãm tổng kết. Ba lần nhóm Beyutins tổ chức các chuyến du ngoạn sông nước trên “những con tàu sáng tạo”. Vào những năm 1980, sau “Lệnh cấm Belutin” kéo dài gần 30 năm, họ bắt đầu triển lãm tích cực hơn ở trong nước. Vào tháng 12 năm 1990, chính phủ đã xin lỗi ông và một cuộc triển lãm hoành tráng của các nghệ sĩ nhóm Belyutin đã khai mạc ở Manege. 400 nghệ sĩ đã tham gia, trình bày hơn một nghìn tác phẩm. Cho đến thời điểm đó, bản thân Belyutin bị “hạn chế đi lại”, nhưng các cuộc triển lãm cá nhân của ông liên tục được tổ chức ở nước ngoài.

Người dịch Lã Nguyên

(Dịch xong ngày 5 tháng 12 năm 22, ngay sau khi bài báo vừa đăng trên “Gazeta.ru”)

Bình luận về bài viết này